Về đánh giá cán bộ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải hiểu biết và đánh giá đúng cán bộ cả về đức và tài, về trình độ năng lực của mỗi cán bộ. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, dễ gặp vướng mắc nhất nên không thể tùy tiện. Muốn vậy, công tác xem xét, đánh giá cán bộ phải lấy tiêu chuẩn hiệu quả, chất lượng công việc làm nền tảng. Người luôn nhắc nhở: cán bộ lãnh đạo, quản lý khi xem xét, đánh giá cán bộ phải công tâm, tránh bệnh tự cao, tự đại, ưa nịnh hót, hoặc cảm tính, yêu ghét xuất phát từ lợi ích của người đánh giá; phải có phương pháp khách quan, toàn diện, xem xét cả quá trình phát triển của cán bộ.

Trong quan điểm xem xét, đánh giá cán bộ của Hồ Chí Minh chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, Người coi đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Đức của người cán bộ thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, lòng trung thành đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa; thể hiện ở phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân; có lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi với quần chúng, gương mẫu gắn bó với nhân dân, khiêm tốn học hỏi, thực sự cầu thị; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, tương thân, tương ái lẫn nhau. Đức là cái gốc giúp người cán bộ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”(3). Bởi lẽ, đạo đức tạo nên uy tín của người cán bộ; là cơ sở để giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng, là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo.

Về công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Hồ Chí Minh coi đây chính là khâu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để làm việc nên nội dung huấn luyện phải rất cụ thể, tránh tình trạng học không thiết thực, học rồi không sử dụng được. Nguyên tắc huấn luyện là phải theo phương châm lý luận đi đôi với thực tế. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải tiến hành toàn diện về chuyên môn nghề nghiệp, về lý luận, chính trị, văn hóa… Hồ Chí Minh yêu cầu: “Những đồng chí lãnh đạo địa phương cũng phải nghiên cứu công tác chuyên môn, hiểu biết chuyên môn thì giải quyết các vấn đề mới được thiết thực”(4), mới thuyết phục được đội ngũ cán bộ của mình tin và làm theo.

Về công tác lựa chọn cán bộ, Hồ Chí Minh rất coi trọng biện pháp thi tuyển đội ngũ cán bộ, công chức. Trong các Sắc lệnh số 188 năm 1948, số 76 năm 1950, Người đề ra các quy định thi tuyển viên chức vào ngạch bậc của nền hành chính quốc gia. Các môn thi được quy định cụ thể về chính trị; pháp luật; địa lý; lịch sử, ngoại ngữ với chương trình khung thi tuyển rất hiện đại (gọi là chương trình khung vì, không phải bất cứ cán bộ nào, viên chức nào cũng bắt buộc phải thi tất cả các môn trên đây mà phải tùy theo từng ngành, từng cấp). Làm như vậy sẽ chuyên môn hóa được đội ngũ viên chức, làm cho họ trở thành những chuyên viên giỏi trong bộ máy Nhà nước.

Về vấn đề cất nhắc, sử dụng cán bộ, Hồ Chí Minh coi đây là một nghệ thuật, là khâu trung tâm của công tác cán bộ. Cán bộ nào cũng có mặt mạnh và mặt yếu, nếu bố trí sử dụng đúng sẽ phát huy mặt mạnh của cán bộ, thúc đẩy phong trào và hạn chế được mặt yếu của họ để chọn đúng người giao đúng việc, nâng chỗ tốt, sửa chỗ xấu. Hồ Chí Minh cho rằng, người lãnh đạo giỏi dùng cán bộ cũng như người thợ khéo dùng gỗ, phải nắm vững nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức của từng thời kỳ cách mạng, ở từng lĩnh vực khác nhau để có sự sắp xếp, điều động, điều chỉnh cán bộ cho phù hợp. Khi đánh giá đúng và bố trí công tác hợp lý cho cán bộ, phải tin cậy cán bộ, mạnh dạn giao việc để cán bộ chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Người chỉ ra cách sử dụng cán bộ là phải khéo kết hợp cán bộ già và cán bộ trẻ, cán bộ ở các lứa tuổi khác nhau có trình độ năng lực, hoàn cảnh, tâm sinh lý, quá trình cống hiến khác nhau. Cán bộ phải có tình thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết chân thành, góp ý phê bình giúp nhau vượt qua mọi thử thách, khó khăn cùng tiến bộ.

Hồ Chí Minh cho rằng, cất nhắc cán bộ là một công tác cần kíp, nhưng phải làm cho đúng, cất nhắc cán bộ phải rất thận trọng và cất nhắc cán bộ luôn luôn đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người căn dặn những người lãnh đạo các cấp phải có gan cất nhắc cán bộ và kết luận: “Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực”(5).

Điểm đặc biệt, cũng là một điểm thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là, Người yêu cầu trong khi sử dụng thì phải biết thương yêu cán bộ. Nhưng yêu thương cán bộ không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc, mà là giúp đỡ cán bộ học tập, công tác tiến bộ ngày càng nhiều, quan tâm giúp đỡ cán bộ giải quyết những khó khăn trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày.

Hồ Chí Minh viết: “Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ. Vì vậy, Đảng phải thương yêu cán bộ”(6). Thương yêu cán bộ còn thể hiện ở chỗ luôn luôn chú ý đến công tác của họ, chân tình giúp đỡ họ khi họ mắc khuyết điểm và động viên họ khi khọ có thành tích, nhằm làm cho họ hăng hái, gắng sức. Đó là những chân giá trị của tình thương yêu cán bộ, thể hiện tính nhân văn cao cả của Hồ Chí Minh. “Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn, v.v..”(7).

Hiện nay, Việt Nam cần có đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài để gánh vác trách nhiệm to lớn đưa đất nước đi lên, đáp ứng nhu cầu phát triển trong xu hướng hội nhập. Trong bối cảnh ấy, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về công tác cán bộ cần chú ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, thực sự coi việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quán triệt sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều”(8). Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Do vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả, xác định đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.

Thứ hai, trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cần chú trọng tới việc đánh giá, phát hiện các cán bộ có “đức”, có “tài”. Trước tiên, rà soát để phát hiện những cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện từ các nguồn quy hoạch. Trong đó, đặc biệt chú ý tới những người có triển vọng phát triển: đã được thử thách qua thực tiễn, có kinh nghiệm thực tế, có thành tích nổi trội, và phải có “đức”. Bởi “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(9). “Đức” có nhiều nội dung, song đối với người cán bộ cách mạng thì nội dung đầu tiên của đức là phẩm chất chính trị. Bên cạnh đó là đạo đức cá nhân với các nội dung: cần, kiệm, liêm, chính mà Người ví như bốn mùa của một năm, không thể thiếu được mùa nào. Mặt khác, trong công tác đánh giá, phát hiện, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm, cần kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Khi phân công, phân cấp, gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm.

Thứ ba, chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt, từ chuyên môn nghiệp vụ đến các kỹ năng làm việc, lãnh đạo, đồng thời nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ. Những hoạt động trên cần tiến hành theo định kỳ cho cán bộ các cấp, cán bộ nguồn đã được quy hoạch. Gắn liền với đó là, xây dựng tiêu chuẩn và có kế hoạch, biện pháp đào tạo bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách đối với cán bộ nguồn theo hướng ưu tiên cán bộ trẻ, thật sự ưu tú và có cơ cấu hợp lý giữa các địa phương, ngành nghề, lĩnh vực. Một mặt, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, bảo đảm trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý. Mặt khác, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng, thực hiện nghiêm túc chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ.

Thứ tư, chú trọng tới công tác tuyển dụng, và luân chuyển cán bộ. Trong đó, công tác tuyển dụng cần có kế hoạch để có cơ cấu hợp lý, tinh giản số lượng và nâng cao chất lượng, bảo đảm cán bộ được tuyển dụng, cất nhắc đáp ứng được những tiêu chuẩn rõ ràng, có khả năng đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, trình độ lý luận chính trị. Muốn vậy, công tác tuyển dụng phải đúng mục tiêu, quan điểm và tiêu chuẩn đánh giá, sử dụng cán bộ. Việc luân chuyển cán bộ được quan tâm nhằm khắc phục tình trạng trì trệ, gia trưởng, chủ quan, tham ô, trù úm, tạo cho cán bộ sức sống mới, chủ động rèn luyện trong hoàn cảnh mới. Để việc luân chuyển cán bộ hiệu quả, cần phát hiện được điểm mạnh, điểm yếu của cán bộ để bố trí công tác phù hợp hơn, thận trọng để tránh sự xáo trộn, ngắt đoạn công việc khi thực hiện luân chuyển. Trong công tác tuyển dụng và luân chuyển cán bộ, cần kết hợp để có cơ cấu lứa tuổi hợp lý, bảo đảm chuyển tiếp vị trí công tác giữa người già và người trẻ; người tại địa phương và người nơi khác; cán bộ, công chức nam và nữ và giữa các ngạch bậc.

Thứ năm, triển khai thực hiện chế độ, chính sách trọng dụng nhân tài, trong đó chú trọng đến những chính sách dùng người, chính sách tiền lương, chính sách khen thưởng, chính sách nhà cửa. Chính sách dùng người, bảo đảm dân chủ, tạo điều kiện và khích lệ cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, “cả gan phụ trách”, “cả gan làm việc”. Chính sách tiền lương, bảo đảm lương là nguồn thu nhập chính đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cán bộ và gia đình cán bộ, tạo động lực cho cán bộ phát huy năng lực, nâng cao hiệu quả công tác, góp phần phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, cần phải có những chính sách ưu đãi đặc biệt như khen thưởng, nhà ở công vụ… đối với những nhân tài là cán bộ ở vị trí chiến lược, những chuyên gia, những nhà khoa học có đóng góp lớn đối với sự phát triển của đất nước./.